Bột rau sấy lạnh Quảng Thanh xuất sắc vượt qua 28 đối thủ để về nhất “Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019”

Trong hai ngày 24 và 25-11, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019. Cuộc thi do Trung ương Đoàn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức - Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, giai đoạn 2019-2022.

Được phát động vào tháng 4-2019, cuộc thi đã thu hút đông đảo sự tham gia của các đoàn viên, thanh niên có dự án sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp. Ban tổ chức đã nhận được 225 dự án từ 48 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

Tại vòng chung kết, 29 dự án đến từ 22 tỉnh/thành như Lâm Đồng, An Giang, Đồng Tháp, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Hòa Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Đắc Nông, Vũng Tàu, Đắc Lắc và TP. HCM. Các dự án này đã được Ban giám khảo cuộc thi tuyển chọn kỹ, bảo đảm chất lượng, có tính sáng tạo, đổi mới trong khởi nghiệp, đa dạng về lĩnh vực. Theo đó, những cái tên thắng cuộc đã hoàn toàn lộ diện.

 Giải nhất đã thuộc về startup Nguyễn Ngọc Hương với dự án Bột rau sấy lạnh đến từ TP. HCM.

 2 giải nhì thuộc về startup Trương Lê Huy Hoàng cùng dự án Sản xuất snack dinh dưỡng cao từ cá da trơn (Đồng Tháp) và Phạm Minh Tiến sở hữu dự án Mật dừa nước và các sản phẩm có giá trị từ dừa nước (TPHCM).

 3 giải 3 thuộc về: Nguyễn Thị Ngọc Như – Son môi dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trường (Bến Tre), Phạm Hồng Sơn – FAGO 4.0 Nông dân bứt phá (Hưng Yên) và Giàng A Dạy – Phát triển trang trại bò thịt tại bản Rừng Thông (Sơn La).

 

Tại vòng bán kết, Hội đồng giám khảo đánh giá rằng: những dự án góp mặt ở chung kết năm nay đều đã được hiện thực hóa, sản xuất ra sản phẩm, có tính thương mại hóa cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các đội thi đã bắt đầu ý thức và quan tâm đến các chứng thực về sản phẩm, thành phần trong sản phẩm thông qua các xét nghiệm, kiểm nghiệm để cung cấp cho Ban tổ chức.

Điểm mạnh nữa là tinh thần đổi mới sáng tạo được các chủ dự án phát huy nhuần nhuyễn. Đây là con đường để các dự án phát triển và sống sót, không chỉ trong cuộc thi mà còn xuyên suốt quá trình xây dựng doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, dịch vụ sau này. Nhiều thí sinh đã hiểu được cách làm thế nào để tìm ra những sản phẩm mới đúng theo nhu cầu của thị trường ngách. Thêm nữa, không ít dự án mang đến sự đổi mới nhất định về thị trường.

Tuy nhiên, để có được lợi thế cạnh tranh lâu dài, các thí sinh cần học hỏi nhiều hơn, đặc biệt là phải định hình mô hình kinh doanh rõ ràng hơn nữa.

"Tôi đã phát triển sản phẩm này hơn 3 năm nay, đến chặng đường ngày hôm nay tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Tham gia vào sự kiện khởi nghiệp như thế này, thì doanh nghiệp chúng tôi nhận được nhiều kết quả ngoài mong đợi, chúng tôi có thêm khách hàng, có thêm kết nối để phát triển sản phẩm, gặp được các chuyên gia giúp chúng tôi hoàn thiện sản phẩm khi để đưa ra thị trường, đồng thời chúng tôi có thêm nhiều thông tin để xây dựng sản phẩm, xây dựng doanh nghiệp của mình", chị Nguyễn Ngọc Hương chia sẻ.

 

Xem thêm tại:
https://www.youtube.com/watch?v=xojkLSi13ZU

Nguồn:
http://cafebiz.vn/
http://hanoimoi.com.vn/
https://giaoducthoidai.vn/
https://voh.com.vn/